Tổng hợp

Anh hùng Lý Văn Lâm – Cà Mau Quê hương Tôi – WordPress.com

LÝ VĂN LÂM (1941 – 1969) -> Anh hùng liệt sĩ của lực lượng võ trang tỉnh Cà Mau

“… Bất kỳ lúc nào và trong hoàn cảnh khó khăn nào, đồng chí cũng luôn bám đất, bám dân, dũng cảm, ngoan cường, tích cực tiến công địch, lập nhiều thành tích xuất sắc; được đồng chí, đồng bào yêu thương và tin cậy…”. Đấy là một nhận xét, một đánh giá hết sức khái quát, cô đọng và cũng hết sức sâu sắc đối với tầm vóc và sự cống hiến của người chiến sĩ cách mạng anh hùng Lý Văn Lâm, người con yêu quí của quê hương Cà Mau.

Lý Văn Lâm sinh năm 1941, là con của ông Lý Văn Kiển (Mười Kiển) và bà Nguyễn Thị Tài ở ấp Giồng Kè, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Là một gia đình nông dân rất nghèo khổ, không có ruộng đất để cày cấy, ngoài việc đi làm tá điền cho bọn địa chủ, còn phải đi làm mướn, làm thuê để sống qua ngày tháng.

Tất cả những cảnh tượng đau thương, tang tóc do Mỹ Diệm gây ra ở quê hương đã nung sôi lòng yêu nước, thương nòi và chí căm thù giặc của người thanh niên tràn đầy nhiệt huyết.

Trong lúc đang nóng lòng trông đợi tìm đến ước mơ, bỗng một đêm khuya vắng lặng anh nghe tiếng loa từ xa văng vẳng về: “… Đồng bào hãy đoàn kết đấu tranh, đánh đuỗi Mỹ Diệm giải phóng quê hương, giải phóng đất nước…” Ô ! Cách mạng đây rồi anh reo lên sung sướng và đinh ninh rằng mình sẽ tìm được cách mạng. Sáng dậy, anh thấy truyền đơn rải trắng ngoài đường. Nhưng ai đã rải truyền đơn ? Làm sao gặp được mấy anh cách mạng ?… Những câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu anh, thật khó tìm ra giải đáp.

Một hôm anh Lâm cùng chị Mẫn đi cấy, bất chợt chị Mẫn hỏi: -Anh Lâm này anh, có muốn tìm cách mạng không ? Hết sức ngạc nhiên trước câu hỏi đột ngột của chị, anh không vội trả lời mà hỏi lại một cách ngây ngô: -Em có phải là cách mạng không ? Và thế là đã rõ, qua trao đổi hai người thật sự hiểu nhau, chia sẽ cho nhau những ý nghĩ thầm kín.

Thật, anh vô cùng sung sướng, hân hoan vì tìm gặp được cách mạng, hay nói đúng hơn là cách mạng đã đến với anh như mong ước mà bấy lâu nay anh ấp ủ.

Sau khi được chi Mẫn báo cáo và giới thiệu, tháng 7/1959 anh được tổ chức công nhận là nồng cốt thanh niên hoạt động trong vùng địch hậu, thuộc khu vực I thị xã Cà Mau. Và cũng từ năm ấy, anh trở thành một đồng chí trong hàng ngũ cách mạng, một chiến sĩ ngoan cường và anh dũng của quê hương.

Qua thời gian thử thách, tháng 11/1959, đồng chí Lý Văn Lâm chính thức được công nhận là đội viên đội du kích xã Tân Lợi. Và ngày 20/12/1960, đồng chí được kết nạp vào Đoàn thanh niên cách mạng với niềm vinh dự và tự hào của một thanh niên.

Ngày 15/07/1961, đồng chí Lý Văn Lâm được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng nhân dân cách mạng và được đề bạt làm Trung đội phó du kích xã Lợi An. Đây là ngày mà đồng chí cho là bước ngoặt của cuộc đời và cũng là ngày vinh quang nhất của một chiến sĩ cách mạng trong suốt quá trình chiến đấu của đồng chí. Tháng 11/1961, vì sơ hở đồng chí bị lựu đạn gài nổ làm mất bàn tay mặt, tay trái cũng bị thương và đôi mắt bị khói thuốc làm mờ đi. Mặc dù tay bị cụt, mắt bị mờ nhưng đồng chí sử dụng vũ khí rất thành thạo và chính xác, mỗi lần đồng chí nổ súng là coi như một tên thù ngã gục. Đặc biệt, có lần chỉ với một viên đạn đồng chí đã bắn chết hai tên giặc đi càn.

Đồng chí Lý Văn Lâm không những chỉ đánh giỏi, bắn giỏi đối với bọn giặc ở dưới đất, mà giặc “trên trời” anh cũng bắn chính xác không kém, có lần chỉ với 5 viên đạn súng trường bá đỏ đồng chí hạ một máy bay trinh sát L19 của địch, khiến bọn chúng hết sức bàng hoàng, kinh ngạc. Bọn giặc rất sợ đường đạn vô cùng chính xác của đồng chí, mỗi khi chạm mặt nhau chúng ra lệnh cho bọn tay chân: “Nếu ai bắt được “thằng cụt” sẽ được thưởng 40.000đ và một khẩu súng col…”

Tiếng tăm của anh “Hai cụt” cả vùng Cà Mau ai ai cũng biết đến. Đại đội anh hùng chiến sĩ thi đua miền Tây Nam Bộ (ngày 17/9/1967) đồng chí vinh dự được cấp trên cho đi dự Đại hội. Và cũng ngay trong cuộc Đại hội này, đồng chí Lâm được Mặt trận Dân tộc giải phóng cùng bộ chỉ huy các lực lượng võ trang nhân dân giải phóng Miền Nam tặng danh hiệu anh hùng Quân giải phóng Miền Nam và thưởng: Một Huân chương quân công hạng ba; một huy hiệu anh hùng; một bằng dũng sĩ quyết thắng cấp I; một huy hiệu Bắc – Nam; một khẩu súng K54 và một khẩu K1.

Chiến công nối tiếp chiến công, đồng chí Lý Văn Lâm đã trực tiếp tham gia rất nhiều trận chiến đấu lập nên thành tích vẻ vang. Với khẩu súng trong tay đồng chí đã diệt và làm bị thương hàng trăm tên giặc, bắt sống 4 tù binh, thu nhiều vũ khí, đạn dược cùng nhiều tài liệu quan trọng khác. Ngày 03/9/1969, một lần đồng chí được cấp trên chọn đi dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ hai ở Tây Nam Bộ. Nhưng trên đường đi vừa đến xã Kháng Bình Đông, bất ngờ lọt vào vòng phục kích của địch, đồng chí cùng với người em trai (Người em trai duy nhất của Lý Văn Lâm) bị chúng vây chặt. Đồng chí bình tĩnh vừa bắn trả quyết liệt, vừa cùng em mở đường máu thoát ra, thà chết chứ nhất định không cho địch bắt được. Địch nhận thấy đối phương có hai người nên chúng cố đuổi theo bắn vãi đạn như mưa. Biết không thể thoát khỏi, đồng chí cùng em trụ lại sánh vai chiến đấu rất kiên cường đến khi cả hai đều ngã xuống trút hơi thở cuối cùng.

Đồng chí Lý Văn Lâm, đứa con thân yêu của quê hương Cà Mau, người anh hùng đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất cuối cùng của cực Nam Tổ quốc. Đồng chí tuy không còn nữa là một mất mát lớn lao, đã để lại cho chúng ta một tấm gương chiến đấu sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao cả.

Để nhớ công lao to lớn của anh hùng Liệt sĩ Lý Văn Lâm, chính quyền cách mạng và nhân dân Cà Mau lấy tên đồng chí đặt tên cho con đường từ Thị xã Cà Mau về quê hương đã sinh ra đồng chí và đặt tên cho một xã mới thành lập ven Thị xã Cà Mau – xã Lý Văn Lâm – vùng đất mà suốt 10 năm người chiến sĩ du kích đã chiến đấu không rời tay súng.

Related Articles

Back to top button